top of page
Ảnh của tác giảChristopher Vu

Trị liệu nghệ thuật giúp cải thiện sức khỏe tâm thần như thế nào?

Đã cập nhật: 29 thg 7

Phương pháp trị liệu nghệ thuật (art therapy) vẫn luôn được thừa nhận về tính hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe tâm thần của con người.


Trị liệu nghệ thuật diễn tả những điều tưởng chừng như không thể

Một trong những ưu điểm của trị liệu nghệ thuật là tiềm năng của nó trong việc hỗ trợ con người diễn tả những tâm tư và nguyện vọng phức tạp. Rất nhiều người gặp khó khăn trong việc truyền đạt những cảm xúc và trải nghiệm tận sâu trong lòng bằng ngôn từ. Nhưng thông qua nghệ thuật, họ có thể truyền tải và xử lý những xúc cảm này một cách hiệu quả (theo Moschini, 2005; Schweizer và các cộng sự, 2009; Malchiodi, 2012).

Ưu điểm của trị liệu nghệ thuật 1
Trị liệu nghệ thuật giúp thân chủ diễn tả những tâm tư và nguyện vọng khó giãi bày.

Ngoài ra, việc sáng tạo nghệ thuật cũng đồng thời là một hình thức bộc lộ nội tâm vượt ra ngoài phạm vi giới hạn của ngôn ngữ. Các cá nhân có thể dễ dàng tái hiện thế giới quan của họ thông qua hội họa, điêu khắc, hoặc bất kỳ phương tiện nghệ thuật nào khác. Quá trình này có thể giúp giải phóng hoặc làm dịu đi các cảm xúc tiêu cực của những người đang phải đối mặt với tổn thương, phiền muộn, hoặc các cảm xúc phức tạp (theo Gantt & Tinnin, 2007; Morgan & Johnson, 1995).


Nâng cao nhận thức về cảm xúc

Trị liệu nghệ thuật khuyến khích thân chủ trở nên nhạy bén với tình trạng cảm xúc của chính mình. Quá trình sáng tạo thường đòi hỏi các yếu tố quan sát và tự suy ngẫm, từ đó dẫn đến sự thấu hiểu sâu hơn về mức độ cảm nhận và kích thích cảm xúc của mỗi người (theo Lane và các cộng sự, 1990). Mức độ nhận thức cảm xúc cao sẽ cho phép con người kiểm soát cảm xúc và đưa ra những quyết định thông suốt hơn.


Xây dựng lòng tự tôn và bản sắc cá nhân

Trị liệu nghệ thuật có khả năng khích lệ cảm giác thành tựu và lòng tự tôn. Việc sáng tạo nghệ thuật, với thành quả cuối cùng là một biểu trưng rõ rệt cho sức sáng tạo của mỗi cá nhân, có thể mang lại động lực và phát huy sức mạnh nội tại tiềm ẩn của con người, từ đó thúc đẩy lòng tự trọng, bản sắc cá nhân, đồng thời giúp ta nhìn nhận chính mình một cách tích cực hơn (theo van den Broek và các cộng sự, 2011).


Trị liệu nghệ thuật trong phục hồi toàn diện (Holistic Healing)

Trị liệu nghệ thuật áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện khi thừa nhận tinh thần và thể chất là các khía cạnh tương hợp. Bằng cách trân trọng trải nghiệm của mỗi người, trị liệu nghệ thuật sẽ tiếp nhận mọi vấn đề của thân chủ một cách cá nhân hóa và toàn diện hơn (theo Pretorious & Pfeifer, 2010).

Lợi ích của trị liệu nghệ thuật 2
Trị liệu nghệ thuật tiếp nhận mọi vấn đề của thân chủ một cách cá nhân hóa và toàn diện.

Đối phó với chấn thương và rối loạn căng thẳng hậu san chấn

Trị liệu nghệ thuật luôn là một phương pháp hiệu quả khi áp dụng với các chấn thương (Trauma), đặc biệt là chứng rối loạn căng thẳng hậu san chấn (Post-Traumatic Stress Disorder – PTSD). Quá trình sáng tạo thường cung cấp một khoảng lặng an toàn để thân chủ khám phá và vượt qua những trải nghiệm đau thương. Bên cạnh đó, tính phi ngôn ngữ của nghệ thuật cũng giúp thân chủ tạo “khoảng cách” giữa bản thân và những nỗi đau, khiến họ tránh được trải nghiệm khó chịu khi phải hồi tưởng quá khứ (theo Gantt & Tinnin, 2009). Khoảng cách này đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình hồi phục hậu san chấn của họ.


Giúp thư giãn và giảm stress

Sáng tạo nghệ thuật có thể xem là một hành trình trải nghiệm nhẹ nhàng và thư giãn. Nghệ thuật luôn có sức mạnh tạo ra trạng thái dòng chảy (flow) khi một cá nhân trở nên say mê và hoàn toàn đắm chìm vào trải nghiệm của họ. Việc chuyển dời sự tập trung từ gánh nặng cơm áo gạo tiền hằng ngày sang nghệ thuật cho phép thân chủ giảm bớt căng thẳng và lo âu (theo Blomdahl và các cộng sự, 2016). Đây còn được xem là một loại hình “tỉnh thức” (“mindfulness”) trong tâm lý học hiện đại, giúp con người tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc ở hiện tại (theo Prioli và các cộng sự, 2017).



Trị liệu nghệ thuật giúp phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề

Quy trình sáng tạo thường đòi hỏi khả năng xử lý các vấn đề, chẳng hạn như đưa ra quyết định sử dụng màu sắc, chọn khối, áp dụng kỹ thuật vẽ,... Do đó, việc sáng tạo nghệ thuật sẽ giúp thân chủ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống (theo Beebe và các cộng sự, 2010). Tư duy sáng tạo và tìm ra giải pháp còn là một kỹ năng quý giá trong việc cải thiện sức khỏe tâm thần nói riêng và trạng thái cân bằng thân - tâm - trí nói chung.

Lợi ích của trị liệu nghệ thuật 3
Trị liệu nghệ thuật giúp thân chủ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.

Trị liệu nghệ thuật khuyến khích tương tác xã hội

Trị liệu nghệ thuật có thể được xem là một hoạt động cộng đồng trong các phiên tham vấn nhờ khả năng thúc đẩy tương tác và tạo ra các kết nối xã hội (theo Martine, 2018). Sáng tạo nghệ thuật cùng nhau thường mang lại trải nghiệm hợp tác và sẻ chia tích cực, từ đó cho phép các cá nhân kết nối ở mức độ sâu hơn, cũng như tránh được cảm giác tách biệt hay cô độc.


Trị liệu nghệ thuật bồi dưỡng tính kiên nhẫn và kỹ năng ứng phó

Trị liệu nghệ thuật dạy mỗi người tính kiên nhẫn và xây dựng chiến lược ứng phó với các tình huống đa dạng trong cuộc sống (theo Ramin và các cộng sự, 2014). Nghệ thuật thường được xem là phép ẩn dụ hoàn hảo cho cuộc sống, với các lỗi lầm và các khiếm khuyết trở thành một phần không thể thiếu của quá trình sáng tạo. Nhận thức được điều này có thể giúp thân chủ học cách đương đầu với thách thức bằng tư duy linh hoạt và cảm thông hơn.


KẾT LUẬN

Trị liệu nghệ thuật là một công cụ độc đáo giúp cải thiện sức khỏe tâm lý và tinh thần bằng cách thúc đẩy khả năng tự diễn đạt, quá trình khám phá cảm xúc, và sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân. Mặc dù không thể thay thế phương pháp trị liệu truyền thống trong tất cả các trường hợp, song tại Đất Trị Liệu, đây vẫn là một lựa chọn mạnh mẽ, hiệu quả, và đáng giá cho bất kỳ ai đang loay hoay trên hành trình kiếm tìm một cuộc sống hạnh phúc, thư thái và bằng an.


Tham khảo:

1. Beebe A., Gelfand E. W., Bender B. (2010). A randomized trial to test the effectiveness of art therapy for children with asthma. J. Allergy Clin. Immunol.

2. Blomdahl, C., Gunnarsson, B. A., Guregård, S., Rusner, M., Wijk, H., & Björklund, A. (2016). Art Therapy for patients with depression: expert opinions on its main aspects for clinical practice. Journal of Mental Health.

3. Gantt L, Tinnin LW. (2007). Intensive trauma therapy of PTSD and dissociation: An outcome study. The Arts in Psychotherapy.

4. Gantt L, Tinnin L. (2009). Support for a neurobiological view of trauma with implications for art therapy. The Arts in Psychotherapy.

5. Lane RD, Quinlan DM, Schwartz GE, Walker PA, Zeitlin SB. (1990). The Levels of Emotional Awareness Scale: A cognitive-developmental measure of emotion. Journal of personality assessment.

6. Malchiodi, C. (2012). Handbook of Art Therapy (2nd Edn). New York, NY: Guildford Press.

7. Martine, G. (2018). Impact of Group Art Therapy on the Quality of Life for Acquired Brain Injury Survivors, Art Therapy

8. Morgan CA, Johnson DR. (1995). Use of a drawing task in treating nightmares in combat-related post-traumatic stress disorder. Art Therapy: Journal of the American Art Therapy Association.

9. Moschini, L. B. (2005). Drawing the Line: Art Therapy With the Difficult Client. Hoboken, NJ: John Wiley.

10. Pretorius G., Pfeifer N. (2010). Group art therapy with sexually abused girls. S. Afr. J. Psychol. 40, 63–73.

11. Prioli, K. M., Pizzi, L. T., Kash, K. M., Newberg, A. B., Morlino, A. M., Matthews, M. J., & Monti, D. A. (2017). Costs and effectiveness of mindfulness-based art therapy versus standard breast cancer support group for women with cancer. American Health & Drug Benefits.

12. Ramin A., Mousavi M., Sohrabi N. (2014). Effects of art therapy on anger and self-esteem in aggressive children. Procedia Soc. Behav. Sci.

13. Schweizer, C., Bruyn, J., Haeyen, S., Henskens, B., Rutten-Saris, M., and Visser, H. (2009). Handboek beeldende therapie: Uit de verf [Handbook of Art Therapy: Express Yourself]. Houten, Netherlands: Bohn Stafleu van Loghum.

14. van den Broek, E., Keulen-de Vos, M., and Bernstein, D. P. (2011). Arts therapies and Schema Focussed therapy: a pilot study. Arts Psychother.

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page