top of page
Ảnh của tác giảChristopher Vu

Khi nào bạn cần gặp nhà trị liệu?

Đã cập nhật: 29 thg 7

Hướng dẫn giúp bạn tìm được một nhà trị liệu (therapist), nhà tham vấn tâm lý (counsellor), hoặc thậm chí là một nhà khai vấn (coach) dành riêng cho mình.


Mở đầu: khi nào cần gặp nhà trị liệu?

Chắc hẳn khi bạn đọc được những dòng này, bạn đã và đang đi tìm cho mình một sự trợ giúp, một người hỗ trợ bạn về mặt tinh thần hoặc vượt qua những khó khăn, vất vả tưởng chừng như đang nhấn chìm bạn mỗi ngày. Bạn có thể không tin nhưng khi mình làm việc với nhiều thân chủ đến từ nhiều nơi, nhiều nền văn hoá, nhiều sắc tộc khác nhau, đây đều là cảm giác mà họ đang trải qua - một cảm giác ngột ngạt, hy vọng mỗi ngày họ có thể thở, có thể nghỉ ngơi hoặc chỉ đơn giản tìm lại được một chút bình yên trong tâm hồn.


Hít thở
Mọi thân chủ đến từ nhiều nơi, nhiều nền văn hoá, nhiều sắc tộc khác nhau đều đang trải qua cảm giác ngột ngạt, với niềm hy vọng nhỏ nhoi là được hít thở, nghỉ ngơi và tìm lại bình yên trong tâm hồn.

Hy vọng là sau bài viết này, bạn có thể tìm được một nhà trị liệu (therapist), nhà tham vấn tâm lý (counsellor), hoặc thậm chí là một nhà khai vấn (coach) dành riêng cho mình (sự khác biệt của vai trò, trách nhiệm và mục đích của những nhà chuyên môn này sẽ được nhắc đến trong một bài post khác nhé).


1/ Tìm đến trị liệu khi bạn cảm thấy quá tải (overwhelm) và ở trong tình trạng kiệt sức (fatigue)

Đôi khi sẽ có những lúc trong cuộc sống, công việc dồn dập, các dịp lễ hội, những lịch hẹn, các buổi gặp mặt hoặc việc bạn bận rộn là một điều hết sức bình thường. Nhưng một khi bạn rơi vào tình trạng kiệt sức, không thể gánh vác nổi những công việc bạn thường làm mỗi ngày; thỉnh thoảng bạn không thể quản lý được những việc nhỏ nhặt nhất như ăn uống, ngủ nghỉ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc chính mình thì đây chính là lúc bạn hãy thử cân nhắc và tìm cách cân bằng lại cuộc sống cũng như những mục tiêu của bản thân thông qua tham vấn & trị liệu.



Khi bạn đã thử nhiều cách nhưng vẫn không hiệu quả, việc quá tải và mệt mỏi vẫn diễn ra và kéo dài, lúc này bạn có thể cân nhắc làm những điều mới, những thứ trước đây bạn chưa từng làm và kể cả việc tìm một người có chuyên môn trong lĩnh vực sức khoẻ tinh thần (nhà trị liệu, tham vấn hoặc khai vấn) xem sao.


Tham vấn trị liệu
Khi bạn đã thử nhiều cách nhưng vẫn không hiệu quả, hãy thử tìm một người có chuyên môn trong lĩnh vực sức khoẻ tinh thần (nhà trị liệu, tham vấn hoặc khai vấn) xem sao.

2/ Tìm đến trị liệu khi cảm xúc của bạn không còn ổn định và vượt ngoài tầm kiểm soát

Ngay bây giờ, bạn hãy thử tìm một nơi yên tĩnh, lắng đọng bản thân, đọc và thử trả lời những câu hỏi dưới đây. Khi chỉ còn bạn và cảm xúc của mình, hãy trả lời cho bạn, vì bạn mới là người quan trọng nhất.

  • Bạn có cảm giác tức giận, bật khóc vì một điều đơn giản như trễ xe buýt, quên chìa khoá, nhận được email than phiền từ đồng nghiệp, v.v mà trước đây bạn chưa từng như vậy?

  • Bạn cảm thấy vô cùng khó chịu, bức bối, ngột ngạt và khó thở ngay trong chính những nơi mà trước đây từng đem lại bình yên cho bạn?

  • Bạn đột ngột có cảm giác lo âu, sợ hãi, tránh né khi phải ra ngoài, tiếp xúc với những người xung quanh?

  • Lần cuối bạn ăn là khi nào? Khi bạn ăn món bạn yêu thích, bạn vẫn còn cảm giác yêu thích, hào hứng và mong chờ hoặc đơn giản là còn thấy nó “ngon" lúc này không?

  • Tối hôm qua bạn đã đi ngủ như thế nào? Bạn có thể ngủ một giấc trọn vẹn, nhẹ nhàng, thoải mái và khi tỉnh dậy, tinh thần của bạn được cải thiện một cách đáng kể?

  • Những cảm xúc thường đến và đi bất chợt, và mỗi lần xuất hiện, chúng luôn ở một mức độ quá khích, tần suất dày đặc và bạn không kiểm soát được chúng nữa?

  • Và cuối cùng, bạn đã chịu đựng những điều này bao lâu rồi?

Việc mình đề nghị bạn ngồi xuống, cùng nhìn lại, nghiền ngẫm và trả lời những câu hỏi này là một cách để bạn có thể xử lý, sắp xếp những cảm xúc của mình từng chút một, từng bước nhỏ để có thể bắt đầu tiến trình làm việc với bản thân thông qua tham vấn & trị liệu.


3/ Tìm đến trị liệu khi bạn có xu hướng tránh né, ẩn mình và thoát lui khỏi việc đi ra ngoài, giao tiếp và các tình huống xã hội

Con người ai cũng cần có những lúc được ở một mình, được thư giản, nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng. Nhưng khi bạn không còn nhớ được lần cuối cùng bạn ra khỏi nhà vào ngày nào, lo âu, hồi hộp, căng thẳng trước khi ra ngoài hoặc đi ăn, tham dự tiệc với đồng nghiệp, công ty, họ hàng hoặc thậm chí là gia đình và bạn bè thân thiết,... có lẽ đây cũng là lúc bạn thử ngồi lại và tìm hiểu các nguyên nhân gây ra sự lo âu một cách mất kiểm soát này.


Lo âu
Khi bạn không còn nhớ được lần cuối cùng bạn ra khỏi nhà vào ngày nào, lo âu, hồi hộp, căng thẳng trước khi ra ngoài hoặc đi ăn, tham dự tiệc với đồng nghiệp, công ty, họ hàng hoặc thậm chí là gia đình và bạn bè thân thiết,... Đây là lúc bạn nên thử ngồi lại và tìm hiểu các nguyên nhân gây ra sự lo âu một cách mất kiểm soát này.

Theo như Shapiro (2017), việc cơ thể bạn xem xét, xử lý những tổn thương về mặt tinh thần cũng tương tự như cách cơ thể bạn xử lý các vết thương về mặt thể chất của bạn. Hãy nhớ về những lần bạn bị té lúc nhỏ, những vết trầy xước tay chân, đầu gối hoặc những lúc bạn bị cảm, sốt và phải nằm nghỉ một ngày dài ở nhà, không muốn đi ra ngoài hay giao tiếp, nói chuyện với những người xung quanh, bạn có thấy được sự liên kết, những điểm giống nhau của việc chính cơ thể bạn đang tìm cách chữa lành những tổn thương này không? Đúng vậy, cơ thể bạn đang thông báo rằng, bạn đang “đau", cần được “nghỉ ngơi và chữa lành" thông qua tham vấn & trị liệu đấy.


Như Nam Cao đã viết: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa.”

4/ Tìm đến trị liệu khi có cảm giác tuyệt vọng (Hopelessness) và mất đi hứng thú với những điều bạn từng yêu thích trước đây

Xin bạn hãy cẩn thận và chú ý hơn, bởi chính cảm giác vô vọng (hopelessness) đã tước đoạt đi rất nhiều con người trên thế gian này. Con người một vài lúc trong cuộc sống sẽ cảm thấy bế tắc và không có lối thoát, nhưng một khi bạn phải thức dậy mỗi ngày và cảm giác này vẫn luôn ở đó không rời đi; dù bạn có cố gắng làm những gì mà trước đây từng khiến bạn cảm thấy vui, thấy hạnh phúc thì giờ đây, tất cả chỉ còn lại một nỗi trống rỗng, một sự vô định, bấp bênh mà bạn không biết phải làm thế nào thì có lẽ đây là lúc bạn hãy thử tìm một người giúp đỡ có chuyên môn trong lĩnh vực này. Xin được nhấn mạnh rằng, cảm giác này chính là một nỗi đe doạ ngầm đến sức khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần của bạn.


Cảm giác vô vọng
Cảm giác vô vọng chính là một nỗi đe doạ ngầm đến sức khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần của bất kỳ ai.

Kết luận

Những điều mình viết phía trên được tổng hợp từ nhiều nguồn, và tích luỹ từ những kinh nghiệm làm việc lâm sàng và cả kinh nghiệm của chính bản thân mình, một nhà trị liệu, tham vấn tâm lý lâm sàng. Mình biết và hiểu được rằng việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ một người xa lạ có thể khiến mọi người cảm thấy ngại ngùng, lo lắng và đôi khi bị quá tải bởi các luồng thông tin khác nhau. Nhưng, đừng vì vậy mà ngừng tìm kiếm cho mình một nhà trị liệu phù hợp vì chỉ có bản thân bạn là người biết được khi nào là lúc thích hợp nhất.


Có thể bạn nghĩ rằng đây là một bài viết chỉ để khiến mọi người tìm đến trị liệu nhiều hơn, nhưng thật sự khi mình viết ra những dòng này, mình đều mong muốn mọi người tìm được một chút gì đó cho bản thân, giành lại được sự bình yên, vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống và tìm được cách “chữa lành".



Nếu như bạn nhìn thấy bản thân mình trong bài viết này, xin hãy tìm kiếm một tia hy vọng mới, một điều gì đó khiến bạn cảm thấy nhẹ lòng hơn. Hoặc khi bạn chứng kiến những người xung quanh đang gặp phải những điều này, xin hãy ở bên và động viên họ. Cảm ơn bạn vì đã cố gắng đọc đến đây, và cảm ơn những người luôn tìm kiếm sự bình an cho tâm hồn.


Beautiful message

Trích dẫn

Why should I go to therapy? 8 signs it’s time to see a. (2022, January 24). GoodTherapy - Find the Right Therapist. https://www.goodtherapy.org/blog/why-should-i-go-to-therapy-8-signs-its-time-to-see-a-therapist

Shapiro, F. (2017). Eye movement desensitization and reprocessing (EMDR) therapy: Basic principles, protocols, and procedures (3rd ed.). Guilford Publications.

Cao, N. (2018). Lão Hạc. NXB Văn Học.

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page