top of page
Ảnh của tác giảChristopher Vu

Khám phá phương pháp trị liệu nghệ thuật

Đã cập nhật: 29 thg 7

Trị liệu nghệ thuật là phương pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần độc đáo khi kết hợp yếu tố sáng tạo nghệ thuật vào quá trình trị liệu.


Trị liệu nghệ thuật là gì?

Trị liệu nghệ thuật là phương pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần kết hợp yếu tố sáng tạo nghệ thuật vào quá trình trị liệu để thúc đẩy ý thức về bản thân, mức độ chữa lành tinh thần và sự phát triển toàn diện của cá nhân. Trị liệu nghệ thuật cung cấp cho thân chủ một không gian an toàn, không định kiến nhằm khám phá suy nghĩ và cảm xúc riêng, đồng thời có cơ hội trải nghiệm các loại vật liệu nghệ thuật khác nhau.

Trị liệu nghệ thuật 1
Trị liệu nghệ thuật cung cấp cho thân chủ một không gian an toàn để khám phá thế giới nội tâm.

Các chuyên gia trị liệu nghệ thuật, vốn là những người được đào tạo bài bản trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, sẽ hướng dẫn và hỗ trợ thân chủ trong các hoạt động nghệ thuật bằng cách giúp họ giải quyết những cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của mình. Khác với phương pháp trị liệu truyền thống, trị liệu nghệ thuật đặc biệt hiệu quả đối với những thân chủ gặp khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ thông qua lời nói.



Cuộc cách mạng của trị liệu nghệ thuật

Ngay từ thời tiền sử, nghệ thuật đã luôn là một phần quan trọng trong tiến trình phát triển văn hóa và nhận thức của con người, với khởi nguồn từ các bức tranh khắc trên hang động mô tả cách thức con người thể hiện quyền lực trong thế giới tự nhiên. Các xã hội cổ đại từ hàng trăm nghìn trước, chẳng hạn như Navajo và châu Phi, đã xuất hiện các phương pháp trị liệu dựa trên nghệ thuật hình ảnh. Những khái niệm này dần trở thành nền tảng cho sự hiểu biết của chúng ta về trị liệu nghệ thuật hiện đại (theo Junge, năm 2016).

Trị liệu nghệ thuật 2
Nghệ thuật tiền sử chính là nền tảng của trị liệu nghệ thuật hiện đại.

Trị liệu nghệ thuật bắt nguồn tại Hoa Kỳ khi Margaret Naumburg, đôi khi được gọi là "mẹ đẻ” của phương pháp trị liệu nghệ thuật, đã bắt đầu viết về các trường hợp lâm sàng mà bà tham gia điều trị vào những năm 1940. Năm 1943, bà đặt tên cho lĩnh vực mới này bằng cách đề cập đến công việc của mình là "trị liệu nghệ thuật hướng động" (“dynamically oriented art therapy”) Thuật ngữ "trị liệu nghệ thuật" lần đầu tiên được sử dụng ở Anh vào những năm 1930 (theo Waller, năm 1991 & 1998), và chính thức được nghệ sĩ Adrian Hill đặt tên vào năm 1942 (Naumburg cũng sử dụng tên gọi này ở Mỹ cùng năm đó). Những năm 1940 đã chứng kiến sự gia tăng không ngừng của các trào lưu trí thức và xã hội, mở đường cho lĩnh vực trị liệu nghệ thuật chính thức được thừa nhận rộng rãi.


Kết hợp nghệ thuật trong trị liệu sức khỏe tâm thần

Trị liệu nghệ thuật thường được sử dụng như một công cụ đắc lực trong các phiên tham vấn trị liệu nhằm giúp thân chủ giải quyết vấn đề, nâng cao nhận thức và cải thiện tình trạng tinh thần. Trị liệu nghệ thuật đã phát triển một cách đáng kể trong nhiều thập kỷ thông qua việc mở rộng phạm vi ứng dụng ra ngoài lĩnh vực tâm lý học. Cuộc cách mạng này đã đánh dấu sự "bành trướng" của trị liệu nghệ thuật trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ trường học, bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng, môi trường doanh nghiệp,...


Trị liệu nghệ thuật trong giáo dục:

Trị liệu nghệ thuật đã đạt đến tiến bộ đáng kể trong giáo dục, đặc biệt là trong việc giúp trẻ em và thanh thiếu niên phát triển trí thông minh cảm xúc, theo Clara Keane (năm 2017). Ngoài ra, trị liệu nghệ thuật cũng dần trở thành một phương tiện hữu ích để giải quyết các vấn đề phổ biến như bắt nạt, áp lực học tập và chứng rối loạn hành vi (theo Freire, năm 2005).

Trị liệu cảm xúc 2
Trị liệu nghệ thuật giúp trẻ em và thanh thiếu niên phát triển trí thông minh cảm xúc.

Trị liệu nghệ thuật trong bối cảnh y tế:

Tại các bệnh viện và trung tâm phục hồi chức năng, trị liệu nghệ thuật được sử dụng để giúp bệnh nhân đối phó với nỗi đau thể chất và tinh thần, cũng như hỗ trợ quá trình phục hồi của họ. Đối với những người mắc các bệnh mãn tính hoặc có khiếm khuyết về thân thể, trị liệu nghệ thuật có thể giúp khôi phục cảm giác tự chủ và lòng tự trọng cá nhân. Tính đến năm 2013, có khoảng một nửa các cơ sở chăm sóc sức khỏe tại Hoa Kỳ đã áp dụng thành công các chương trình trị liệu nghệ thuật, theo Harter và các cộng sự.


Nghệ thuật trong trị liệu sức khỏe tâm lý và tinh thần:

Hiện nay, phương pháp trị liệu nghệ thuật ngày càng được nhiều người áp dụng để giải quyết các vấn đề hằng ngày. Trong một thời đại không ngừng đòi hỏi việc tăng cường nhận thức về vấn đề sức khỏe tâm thần, nhiều người đã bắt đầu tìm đến trị liệu nghệ thuật nhằm đối phó với chứng căng thẳng, lo âu và trầm cảm (theo Metzl và các cộng sự, năm 2016).


Nguyên tắc bảo mật trong trị liệu nghệ thuật

Tính bảo mật là một khía cạnh quan trọng trong nghệ thuật trị liệu. Mọi tác phẩm nghệ thuật của thân chủ, cũng như nội dung của các phiên tham vấn trị liệu, luôn được giữ bí mật và bảo vệ một cách tuyệt đối. Điều này góp phần tạo nên một không gian an toàn để thân chủ thoải mái thể hiện bản thân mà không sợ bị đánh giá hay tiết lộ thông tin.

Trị liệu nghệ thuật 3
Tính bảo mật của thân chủ luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi tại Đất Trị Liệu.

Kết luận:

Trị liệu nghệ thuật là một hình thức trị liệu tâm lý sáng tạo và linh hoạt thông qua việc tận dụng sức mạnh nghệ thuật để chữa lành tinh thần và thúc đẩy quá trình tự khám phá. Chỉ cần đăng ký một phiên trị liệu nghệ thuật tại Đất Trị Liệu, thân chủ sẽ được cung cấp một phương tiện phi ngôn ngữ độc đáo nhằm tự do thể hiện cảm xúc và đào sâu vào thế giới nội tâm phong phú của bản thân. Mặc dù không thể thay thế các liệu pháp sức khỏe tâm thần thông thường trong mọi trường hợp, trị liệu nghệ thuật vẫn là một lựa chọn đáng cân nhắc nếu bạn đang mong muốn chữa lành những tổn thương, nâng cao ý thức hoặc chạm đến trạng thái thăng hoa của sức khỏe tinh thần cá nhân.


Trích dẫn:

  1. Freire, P. (2005). Education for Critical Consciousness. New York: Continuum International Publishing Group.

  2. Junge, M. B. (2016). History of art therapy. In D. E. Gussak & M. L. Rosal (Eds.), The Wiley handbook of art therapy (pp. 7–16). Wiley Blackwell.

  3. Harter, L. M., Quinlan, M. M., & Ruhl, S. (2013). The storytelling capacities of arts programming in healthcare contexts. In L. M. Harter & Associates (Ed.), Imagining new normals (pp. 29-50). Dubuque, IA: Kendall Hunt.

  4. Keane, C. (2017, May 11). An Expert on School-Based Art Therapy Explains how Art Therapy Helps Children Make Sense of the Insensible. American Art Therapy Association. https://arttherapy.org/art-therapy-helps-children-make-sense-of-the-insensible/.

  5. Matzka, M., Mayer, H., Kock-Hodi, S., Moses-Passini, C., Dubey, C., Jahn, P., Schneeweiss, S., & Eicher, M. (2016). Relationship between resilience, psychological distress and physical activity in cancer patients: A cross-sectional observation study. PLOS ONE, 1-13.

  6. Waller, D. (1991). Becoming a profession. London, England: Routledge.

  7. Waller, D. (1998). Towards a European art therapy. Buckingham, UK: Open University Press.

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page